Chuyện cái chén sứ ở Sài Gòn
Cái chén, cái đĩa ăn
là những vật dụng không thể thiếu trong bất kỳ gia đình nào. Tháng năm
trôi qua, sắc vóc của những món đồ này cũng không ngừng thay đổi, phần
vì sự phát triển, phần vì sự cạnh tranh và đào thải.
Cách đây chừng ngót nghét cũng 3 thập kỷ, ở Sài Gòn khi đấy chưa có đồ tô chén
nhựa, cũng chẳng có hàng Trung Quốc giá rẻ, nhà nhà người người sử dụng
hàng tô chén của Lái Thiêu, món đồ mà theo dân buôn gốm sứ ở đường
Nguyễn Chí Thanh khi ấy vẫn gọi là đồ đá. Cái tên gọi rất “tiền sử” này
bắt nguồn từ dáng vẻ sản phẩm thô mộc, men vàng đục và cầm khá nặng tay.
Hoa văn họa tiết cũng chỉ quanh quẩn những đề tài như con gà, bông hoa
hay chỉ đơn giản là vài cái phẩy, vài nét gạch ngang. Ấy thế mà, đây
đúng là thời phồn vinh của Gốm miền Nam nói riêng và Gốm Việt nói chung
khi nhà nhà dùng hàng Việt.
Rồi khi mở cửa đã lâu, hàng Trung Quốc bắt đầu dắt
díu nhau vào đất Sài Gòn mà chủ yếu là qua đường tiểu ngạch, khi ấy,
những lái buôn người gốc Trung Quốc qua tận Việt Nam để chào hàng. Tuy
giá rẻ thì vẫn chưa rẻ hơn được hàng Lái Thiêu, nhưng mỏng, sang, bắt
mắt thì đã vượt xa hàng nội địa. Bước mở đầu cho cuộc xâm chiếm thị
trường của loại hàng này, một cuộc xâm chiếm trên diện rộng và kéo dài
cho đến tận bây giờ.
Một cuộc chiến không cân sức và tô chén Lái Thiêu
đành nhường lại thị phần từ trung bình trở lên cho hàng trung Quốc, ngậm
ngùi ở thị trường cấp thấp với giá rẻ và hàng kém.
Tô chén miền bắc cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi
hàng của Bát Tràng, Thái Bình, Hải Dương đổ bộ vào miền nam theo chân
của những lái buôn chuyên buôn chuyến. Và cũng thời gian này, những ông
lớn của Gốm Miền Nam mà đại diện là Minh Long đã bắt đầu nhìn lại thị
trường nội địa sau bao năm chạy theo hàng xuất khẩu. Chủng loại sản phẩm
có thể phân vùng thành 4 nhóm sau:
Tô chén sứ của Trung Quốc là hàng sản xuất kiểu
công nghiệp, sản xuất số lượng lớn và hay dán decal hoa văn, một phần
trong số đó vì để giảm giá thành, sản xuất cho mau chóng và ồ ạt mà xử
lý hấp decal chưa tốt, nguyên liệu chưa tinh lọc gây những mối hại tiềm
ẩn cho người sử dụng. Tuy nhiên, với mẫu mã hợp số đông, giá thành rẻ,
hàng Trung Quốc đã chiếm được miếng bánh ngon nhất.
Hàng tô chén
gốm sứ miền Bắc với lối sản xuất tiểu thủ công, hoa văn trang trí cổ
truyền Việt Nam, hàng nung lửa cao nên khá đanh chắc, được ưa dùng với
đại bộ phận người miền bắc sống tại Sài Gòn.
Tô chén Lái Thiêu vẫn mộc mạc, đơn sơ, thô kệch dừng lại ở thị phần cấp thấp.
Sản phẩm của những công ty Gốm Sứ ở miền Nam chuyên
hàng xuất khẩu khi trở lại thị trường nội địa chưa kịp thời đa dạng mẫu
mã và nghiên cứu thị trường, sản phẩm có gia nhập thị trường nhưng
không đáng kể.
Có thể nhận thấy lợi thế vẫn nghiên mạnh về hàng Trung Quốc suốt một thời gian dài từ 1995 đến 2003.
Nhìn lại và ngẫm nghĩ, những công ty gốm sứ trong
nước đã quên mất thị trường nội địa khi mải miết làm những hợp đồng gia
công cho nước ngoài, khi nhìn lại thì hàng Trung Quốc đã tràn ngập khắp
mọi ngõ ngách, một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra và việc lấy
lại thị phần không hề đơn giản. Một trường hợp thành công có thể nói là
duy nhất cho đến bây giờ chính là Minh Long. Tuy nhiên, do đầu tư phát
triển theo lối sản xuất công nghiệp, dán decal hoa văn, dùng máy móc
thay cho con người nên tính thủ công và cái hồn của sản phẩm thủ công đã
không còn nữa. Với chất lượng và uy tín, hàng sứ của Minh Long đã thay
đổi tình thế khi quay lại thị trường nội địa và cạnh tranh được với hàng
Trung Quốc đang làm mưa làm gió.
Câu chuyện về cái chén sứ ở Sài Gòn đã thay đổi dần
theo năm tháng, và đến một lúc nào đó, những cái chén đá thân quen hàng
Lái Thiêu sẽ vô tình bị lãng quên trong ký ức, chiếc bát sứ
vẽ hoa xanh của Bát Tràng sẽ không còn được nhắc đến nhiều, chỉ còn
thấy những chiếc chén sứ sản xuất công nghiệp xuất hiện khắp mọi nơi. Ít
ai còn nhớ hay hình dung rằng dáng vóc của chiếc chén gốm khi xưa mẹ
hay bà vẫn dùng. Dẫu biết rằng quy luật đào thải của thị trường thật
khắc nghiệt, nhưng vẫn chưa là muộn cho một cuộc cách mạng thay đổi về
tư duy, về công nghệ sản xuất để những sản phẩm mang đậm nét Việt Nam sẽ
không mất đi trong nếp nhà của người Việt.
Ở Gốm Yên Lam, chúng tôi quan niệm thị trường luôn
cần cái mới, nhưng mới ở đây không đi lạc hướng, vẫn có sợi dây liên kết
với những bản sắc, những nét riêng của một dòng gốm. Để dù có sau này,
cái chén sứ có đi đến đâu bạn bè quốc tế vẫn nhìn được một Việt Nam ở trong đó.
Gốm Yên Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét